Kinh nghiệm du lịch

Chợ Cán Cấu – Nét đẹp hoang sơ, độc đáo của vùng cao Tây Bắc.

Tây Bắc thênh thang rừng núi trùng điệp, thơ mộng qua những mùa hoa nở rộ, mê hồn với những thửa ruộng bậc thang vàng óng. Và còn có một Tây Bắc hồn hút người lữ khách bằng những nét văn hóa độc đáo còn sót lại tại phiên chợ Cán Cấu.

Chợ phiên Cán Cấu thuộc địa phận xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai; cách Tp. Lào Cai gần 100km về phía đông bắc, cách thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai gần 30km về phía bắc. Từ thành phố Lào Cai, xuôi theo quốc lộ 4D, du khách sẽ đến xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Tiếp tục xuôi theo tỉnh lộ 153, qua thị trấn Bắc Hà, du khách sẽ đến với chợ phiên Cán Cấu.

Chợ phiên Cán Cấu là nét sinh hoạt văn hóa của người Mông Hoa và người Giáy nhưng lại thực hiện theo lối buôn bán của người Dao. Chợ Cán Cấu họp một buổi trong tuần là sáng thứ bảy và các ngày lễ tết trong năm. Mỗi tuần chỉ có một phiên nên, chỉ cần bước chân vào không gian chợ ai cũng cảm nhận được không khí sôi động, náo nức như một ngày hội xuống chợ của đồng bào vùng cao.

Chợ Cán Cấu là không gian văn hóa mang đậm bản sắc, nơi giao thương, trao đổi hàng hóa của đồng bào Mông Hoa, Giáy và Dao, chính vì thế đây là phiên chợ mang theo sự hòa trộn tinh hoa văn hóa, phong tục, tập quán và những mặt hàng của các dân tộc thiếu số.
Vui nhất là không gian cổng chợ lúc sáng sớm. Tiếng chân ngựa lọc cọc trên đường đá, tiếng trâu bò kêu ò ò trong màn sương, đặc biệt, tiếng nói cười ríu rít của người xuống chợ khiến cho cuộc sống nơi đây bừng lên những thanh âm trong trẻo và ấm áp khiến không khí chợ phiên càng trở nên rộn rã, tưng bừng. Mới trông, tưởng không gian có gì đó lao xao, lộn xộn nhưng đó là đặc trưng, là thanh âm quen thuộc của chợ phiên Cán Cấu.

Làm nên bản sắc chợ phiên Cán Cấu là những mặt hàng được bày bán ở phiên chợ. Chợ được chia làm nhiều khu nhỏ, mỗi khu bán một mặt hàng riêng. Ấn tượng nhất là những mặt hàng nông sản của đồng bào vùng cao mang xuống chợ. Tất cả đều tươi rói, đậm sắc màu. Có màu đỏ tươi của những chùm ớt chỉ thiên của người Mông Hoa trồng trên núi cao, có màu tím mịn màng của những chùm cà, màu xanh của cải nương, dưa núi… Những thức hàng như hương thơm, hạt xẻng, củ kiệu, lợn cắp nách, gà đen… nhiều vô kể, toàn là những mặt hàng ngon và sạch của cư dân bản địa. Cách bán hàng của đồng bào nơi đây thật thú vị: không cân đo mà định sẵn tiền bằng chùm, bó, cái, củ…

Ở phiên chợ Cán Cấu, không gian ẩm thực là nơi lắng đọng nhất vì đó là nơi dành cho những lời tâm tình, trao đổi, chia sẻ của đồng bào sau một tuần gặp lại. Phở, bún, thắng cố, rượu ngô, rượu táo mèo là ẩm thực quen thuộc ở những gian hàng ăn. Những người phụ nữ ngay đầu buổi sáng đã vội vã vào ăn sáng để tranh thủ bán hàng còn những người đàn ông thì nhâm nhi với nhau chén rượu nồng cho đến cả buổi vẫn chưa muốn về.
Không gian thổ cẩm ở chợ phiên Cán Cấu khá nổi bật. Mỗi dân tộc có một có một sắc màu riêng vì thế, thổ cẩm ở phiên chợ này vừa độc đáo, vừa rực rỡ. Thích nhất là hòa mình vào không gian ấy, ngắm những cô sơn nữ Mông, Giáy, Dao ướm thử những chiếc váy thổ cẩm nhiều màu, đường nét thêu thùa tinh xảo, rồi tâm trạng xốn xang của những đứa trẻ được mẹ mua cho váy áo mới. Tiếng leng keng, xíc xắc của những chiếc vòng trang sức trên tai, cổ, tay của những sơn nữ càng khiến cho sắc màu thổ cẩm trở nên sống động.

Độc đáo hơn cả là khu vực bán gia súc, gia cầm ở chợ phiên Cán Cấu. Từ những con vật nhỏ như gà, vịt, lợn cắp nách, chó, mèo cho đến chợ trâu.
Chợ trâu Cán Cấu đã trở thành đặc trưng ở miền sơn cước này. Đây là một trong những chợ trâu bò lớn nhất Tây Bắc, bởi mỗi phiên có tới hàng trăm con trâu từ khắp các thôn, bản vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, thậm chí từ huyện Sín Mần, Hà Giang tụ hội về đây.

Đã thành thông lệ, sáng thứ bảy nào, những người đàn ông cũng dắt trên tay con trâu của nhà mình xuống núi rồi tập trung ngay bên vách núi để bán, trao đổi. Những con trâu mộng to khỏe, lực lưỡng, thân hình đen bóng, tướng mạo dữ tợn, đứng cứ lừng lững, cặp sừng vênh vênh nhọn hoắt. Đối với người nông dân, con trâu là cả một gia tài lớn. Tuy thế việc mua bán chủ yếu dựa theo kiểu “thuận mua vừa bán” và hoàn toàn trao đổi miệng, lựa bán giá theo kinh nghiệm. Một con trâu tốt có thể được giao với giá lên tới 40 triệu đồng. Không khó để nhận ra cánh lái trâu qua vẻ bề ngoài khi người nào cũng đeo cái ba lô hay khoác túi thổ cẩm chéo vai trước bụng. Mỗi phiên chợ, cánh lái buôn mang theo hàng trăm triệu đồng để mua trâu.
Vì số lượng xe, số trâu và khách tham gia chợ phiên quá đông nên con đường dẫn đến chợ Cán Cấu hay bị tắc. Người và xe có khi phải chờ hàng giờ đồng hồ cho trâu, bò, gia súc qua. Thế nhưng con người vùng cao vốn hiền hòa là thế, chẳng ai vì chờ đợi đôi chút mà thấy sốt ruột, họ vui vẻ chờ đợi và tranh thủ tận hưởng không khí náo nhiệt. Cả tuần quen với không khí trầm lắng của núi rừng, cuối tuần mới có một ngày đông vui như thế, có gì là khó chịu đâu!

Vẫn giữ nguyên vẻ thuần tuý cùng khung cảnh nhộn nhịp, rực rỡ tại chợ Cán Cấu nên khi đến với Si Ma Cai – Lào Cai, nhiều du khách hẳn sẽ phải ngỡ ngàng trước cảnh sầm uất, nhộn nhịp của quang cảnh phiên chợ miền Tây Bắc.
Chợ phiên Cán Cấu dù đến một lần nhưng bạn sẽ cảm nhận được những nét văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào vùng cao, cảm nhận được tình người qua sự giao lưu nồng ấm và nhớ mãi không khí chợ phiên nơi miền sơn cước.

Thảo luận
Back to top button